Nhảy đến nội dung
x

GS Nguyễn Văn Tuấn: 'Bài báo đầu tiên của tôi từng bị quăng vào thùng rác'

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia) nêu 10 bài học cũng là kinh nghiệm của người từng làm nghiên cứu khi gửi các bài báo quốc tế.

Bài báo khoa học đầu tiên tôi viết cách đây gần 30 năm. Đó là lần trải nghiệm thật khó quên. Như các nghiên cứu sinh khác ở Australia, tôi có hai người thầy hướng dẫn. Nhưng thực tế, người hướng dẫn phụ lại là chính, vì giáo sư hướng dẫn chính rất bận rộn. Do đó, người “cầm tay chỉ việc” lại do một giáo sư trẻ hơn phụ trách.

Vị giáo sư trẻ này cũng bận với công việc ở bệnh viện và đại học nên chỉ gặp tôi một tuần để trao đổi và kiểm tra tiến độ công việc. Sự hướng dẫn của ông chỉ mang tính định hướng, chứ không đi vào chi tiết. Sau này tôi mới hiểu bài học thứ nhất là làm nghiên cứu sinh chủ yếu là tự học dưới sự hướng dẫn của giáo sư, do đó năng lực cũng như kỹ năng tự học rất quan trọng.

Trước khi soạn bài báo đầu tiên, giáo sư hướng dẫn nói với tôi rằng đây là nghiên cứu quan trọng và ý định sẽ công bố trên tập san danh giá. Vấn đề là bắt đầu từ đâu? Ông khuyên tôi nên tìm đọc những bài trước đây trên tập san đó và cứ thế mà viết theo. Thời đó, các tập san khoa học xuất bản trên báo giấy, chứ không có phiên bản trực tuyến và tôi phải vào thư viện để sao lại những bài báo liên quan. Bài học hai, học từ những bài báo trước đã công bố trên tập san mà mình có ý định công bố.

Bai_bao_dau_tien.jpg
Theo các chuyên gia, là nhà nghiên cứu cần chấp nhận việc bị các tập san từ chối bài viết. Ảnh minh họa: curearthritis.org

Sau hơn 8 tuần lễ miệt mài viết, soạn hình ảnh, chỉnh sửa liên tục, cuối cùng tôi cũng có một bản thảo dài hơn 30 trang. Tôi tự hào với thành quả của mình và hẹn giờ để trình bày cho giáo sư hướng dẫn xem và góp ý. Nhưng vừa nhìn qua bản thảo, ông đột nhiên quăng vào thùng rác rồi nhìn tôi dò xét. Ngạc nhiên, tức tối pha lẫn chút lúng túng là cảm xúc của tôi khi đó, tôi không biết làm gì hay nói gì. Tôi thầm nghĩ chẳng lẽ tiếng Anh của mình tệ như thế?

Ông nhìn tôi và mỉm cười, rồi nhặt bản thảo lên giải thích những sai sót và điểm chưa đúng với chuẩn mực khoa học. Vừa giải thích, ông vừa sửa (bằng bút mực đỏ), gạch bỏ chỗ này, viết thêm chỗ kia, ghi chú trên hình ảnh… Kết quả là một bản thảo đầy màu đỏ, nó không còn là bài của tôi nữa. Tôi còn nhớ giáo sư phê bình văn viết của tôi nặng chất thơ quá, không hợp cho bài báo khoa học vốn trung dung và lạnh lùng. Văn chương khoa học có đặc thù và thuật ngữ chỉ có người trong chuyên ngành mới am hiểu. Bài học ba, tiếng Anh mà chúng ta học từ trường hay qua các kỳ thi như TOEFL, IELTS tuy có ích trong giao tiếp nhưng giúp rất ít vào việc viết bài báo khoa học.

Văn phong khoa học không thể ví von và màu mè mà phải chính xác, đơn giản và có khi hình tượng. Theo giáo sư Steven Pinker, một phần ba của bộ não con người được dành cho thị giác. Điều này có nghĩa là văn chương khoa học phải làm cho độc giả thấy mục tiêu cụ thể của bài báo. Độc giả hiểu và nhớ thông tin tốt hơn khi chúng được diễn tả bằng ngôn ngữ giàu chất tượng hình. Ngày nay, cách viết kể chuyện được rất nhiều tập san khoa học khuyến cáo tác giả nên viết. Bài học thứ tư mà tôi học được - viết văn khoa học phải kể một câu chuyện có đầu, có đuôi và giàu hình ảnh.

Người mới bước vào khoa học như tôi thời đó rất quan tâm phương pháp và kỹ thuật, nhưng người có kinh nghiệm thường chú ý đến thông điệp chính của bài báo. Câu hỏi mà giáo sư hướng dẫn hay giày vò là tại sao bài báo này quan trọng, thông điệp chính là gì. Có khi phải bỏ ra cả tuần chỉ để nghĩ cách viết thông điệp chính. Ông thường hay chỉ tay xuống đường phố và nói với tôi rằng 'phải viết sao cho người lái taxi cũng hiểu được'. Bài học thứ năm, nội dung và thông điệp bài báo rất quan trọng, nên cần đầu tư thời gian để viết cho thuyết phục.

Dữ liệu là trái tim của bài báo khoa học. Dữ liệu ở đây không chỉ là số liệu, mà còn là hình ảnh và bài báo trước đây. Dữ liệu phải được trình bày bằng hình thức trang nhã từ cách chọn màu, chọn phông chữ, kích thước chữ, khoảng cách giữa các dòng chữ... đều phải đảm bảo đúng như yêu cầu của tập san. Thời đó, những hình ảnh chưa được số hóa, nên phải in trên giấy bóng, kèm theo chú thích sao cho người đọc hiểu dễ dàng. Giáo sư hướng dẫn tôi thường hay nói câu tương đương với cách nói của người Việt chúng ta, "người đẹp vì lụa", có nghĩa là một nội dung hay và quan trọng cần phải được cho mặc một bồ đồ đẹp và trang nhã. Bài học sáu là hình thức trình bày dữ liệu cũng rất quan trọng.

Bản thảo chưa dừng ở đó mà còn qua nhiều chỉnh sửa từ đồng tác giả nữa. Chỉ riêng với giáo sư trực tiếp hướng dẫn, bản thảo phải qua ít nhất 5 lần chỉnh sửa. Giáo sư hướng dẫn chính tuy là người ít gặp nhất, nhưng lại là người chỉnh sửa nhiều nhất. Ông chính là người quyết định ai là tác giả đầu (tôi), tác giả thứ hai (giáo sư hướng dẫn phụ) và tác giả sau cùng (chính là ông). Sếp có thể không phải là người trực tiếp hướng dẫn, nhưng lại là người có tiếng nói sau cùng vì chịu trách nhiệm chính trước công chúng, là tác giả liên lạc (correspondence author). Bài học bảy, thứ tự tác giả rất quan trọng trong bài báo y học, vì nó cho biết ai là sếp trong công trình nghiên cứu.

Sau khi được phê chuẩn, bản thảo được gửi cho một tập san danh tiếng qua đường bưu điện, vì chưa có hệ thống nộp bài trực tuyến như bây giờ. Khoảng 6 tháng sau, chúng tôi nhận được thư của ban biên tập, kèm bình luận của 3 chuyên gia nặc danh trong chuyên ngành. Đọc qua 8 trang bình duyệt của họ, cảm giác đầu tiên của tôi là choáng váng. Bình luận mang tính khen có, nhưng chê thì nhiều hơn (mà lại rất có vẻ hợp lý). Hai giáo sư hướng dẫn xem qua bình duyệt và quyết định có lẽ bài báo không có cơ hội ở tập san này (đó là tập san New England Journal of Medicine - NEJM). Bài học tám là chuẩn bị tinh thần bị từ chối.

Chúng tôi nộp cho một tập san khác uy tín cao nhưng thấp hơn NEJM. Chờ thêm 4 tháng để nhận được thư bình duyệt, nhưng lần này thì khả quan và thân thiện hơn lần trước. Ban biên tập cho chúng tôi 3 tháng trả lời các bình luận và nộp lại bản thảo. Chúng tôi lại bắt đầu chu trình bình duyệt lần thứ hai - trả lời lần 2 - bình duyệt lần 3 - trả lời lần 3… Hai tháng sau bài báo mới được chấp nhận cho công bố. Như vậy, từ khi hoàn thiện bản thảo đến công bố mất khoảng một năm. Bài học chín là mỗi lần bị từ chối là một cơ hội để cải thiện cho lần sau, tập san có uy tín càng cao thì yêu cầu về phẩm chất càng cao và họ từ chối càng nhiều.

Trả lời bình duyệt là nghệ thuật nhưng cũng là khoa học. Nghệ thuật là đặt vấn đề và những phê bình của các chuyên gia trong bối cảnh, là dung hòa hai quan điểm trái chiều. Còn tính khoa học là trả lời bình duyệt bằng chứng cứ và dữ liệu khoa học, chứ không cảm tính và tuyệt đối không được chỉ trích cá nhân. Không bao giờ bảo chuyên gia bình duyệt nên đọc bài báo này hay cuốn sách kia, vì đó là cách trả lời rất mất lịch sự và thiếu tôn trọng, và bài báo rất dễ bị từ chối. Bài học 10 là trả lời các ý kiến bình duyệt đầy đủ, lịch sự và có chứng cứ.

Sau bài báo đầu tiên, tôi lao vào nghiên cứu và viết một loạt bài báo khoa học liên quan, nhưng tiếp tục bị giáo sư hướng dẫn sửa đi sửa lại. Họ sửa nhiều đến nỗi đã là bài báo thứ 5 rồi mà tôi thấy mình hình như chẳng viết được bài nào hoàn chỉnh. Thật ra, kỹ năng tiếng Anh chỉ là một vấn đề, vấn đề lớn hơn là bức tranh chung và chiến lược viết, mà chiến lược thì đòi hỏi người viết phải có giàu kinh nghiệm trong chuyên ngành. Phải đến bài thứ 10 và năm thứ 4 tôi mới cảm thấy mình đủ tự tin để tự mình soạn một bài báo khoa học. Do đó, đối với một người mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, cho dù đã xong luận án tiến sĩ, thì vẫn chưa đủ khả năng để tự mình viết bài báo khoa học hoàn chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tuấn hiện là giáo sư của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Đại học Notre Dame Australia, nhận được nhiều lời mời giảng và hợp tác nghiên cứu từ các trường, viện của Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông có hơn 250 công trình khoa học công bố trên các tập san danh tiếng thế giới và là một trong những giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

GS Nguyễn Văn Tuấn

Đại học New South Wale, Australia

Nguồn: VnExpress